Bản vẽ thiết kế kiến trúc được coi là kỹ năng cơ bản mà vô cùng quan trọng của những người trong ngành xây dựng, thiết kế kiến trúc nhà ở. Nhưng bên cạnh đó, gia chủ cũng cần có kiến thức về bản vẽ này. Bởi nó sẽ giúp bạn hình dung được ngôi nhà mình định xây. Đồng thời, khi hiểu được bản vẽ, bạn có thể dễ dàng đưua ra những ý muốn thiết kế của mình cho kiến trúc sư. Họ sẽ đưa ra cho bạn những giải pháp kiến trúc hợp lí cho ngôi nhà của bạn. Xây nhà là một việc trọng đại của đời người, cho nên không thể qua loa đại khái. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách đọc bản vẽ thiết kế kiến trúc nhà nhé!
Table of Contents
Tìm hiểu chung về bản vẽ thiết kế kiến trúc nhà
Bản vẽ kiến trúc nhà là hồ sơ hoàn chỉnh về toàn bộ ngôi nhà. Nó diễn giải về hình dáng, kích thước, chi tiết, kết cấu hoàn chỉnh của toàn bộ ngôi nhà. Các kỹ sư, nhà thầu sẽ dựa vào bản vẽ để xác định quy cách xây dựng ngôi nhà, diện tích, các kích thước. Ngoài ra còn cả cách bố trí, mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt kỹ thuật thi công các tầng. Bản vẽ thiết kế kiến trúc nhà ở được trình bày thành một bộ hồ sơ dày khoảng 80-200 trang A3. Nó gồm các phần chính là phần kiến trúc, phần kết cấu và phần điện – nước.
Phần kiến trúc và mặt bằng
Phần kiến trúc: là kiểu dáng của ngôi nhà từ ngoài vào trong. Thông qua đó, chủ nhà sẽ biết được kiểu dáng nhà, màu sắc phối ra sao, vật liệu sử dụng cho từng hạng mục… Và đồng thời hình dung được hình ảnh ngôi nhà sau hoàn thiện.
Mặt bằng các tầng: là hình ảnh mặt cắt của ngôi nhà theo từng tầng. Tại đây thể hiện vị trí kích thước của cầu thang, các mảng tường, vị trí các phòng trong nhà, diện tích các phòng cũng như các hướng của các phòng. Trong bản vẽ mặt bằng cũng sẽ có chú thích cụ thể từng khu vực để chủ nhà có thể hiểu được khi xem bản vẽ.
Phần kết cấu của ngôi nhà
– Mở đầu hồ sơ là những ghi chú trong xây dựng, chi tiết cột, mặt bằng định vị, kết cấu sàn tầng. Tiếp đến là thống kế vật liệu sắt thép, dầm cột, móp thép chịu lực, cấu tạo đai cột… Tất cả nhằm để đảm bảo tính an toàn, vững chắc cho toàn bộ công trình.
– Phần cấu tạo móng, mặt bằng móng: Tùy thuộc vào độ phức tạp của công trình mà kiến trúc sư có thể đưa vào những phương án thích hợp. Ví dụ như móng bè, móng đơn hay móng cọc.
– Mặt bằng định vị cột và chi tiết cột cho thấy vị trí và khoảng cách giữa các cột với nhau.
– Kết cấu mặt bằng.
– Phần thống kê cốt thép.
Như vậy, hồ sơ kết cấu sẽ cho biết các vật liệu sắt, thép, cột, dầm cần có để đảm bảo sự an toàn, vững chắc cho ngôi nhà.
Phần điện nước có những gì?
Phần điện bao gồm mặt bằng bố trí điện các tầng có điện động lực, điều hòa thông gió. Ngoài ra còn có yếu tố như chiếu sáng, chống sét ở tầng mái. Và bao gồm cả chi tiết các thiết bị điện như điều hòa, internet, tủ lạnh, tivi…
Phần nước bao gồm hệ thống cấp thoát nước ở các phòng. Cụ thể như phòng vệ sinh, bếp, phòng giặt phơi,.. Cũng như cách bố trí các đường ống cấp thoát nước và các công trình dưới ngầm.
Khung bản vẽ và khung tên trong bản vẽ kiến trúc có quy định như nào?
Khung bản vẽ trong xây dựng là hình chữ nhật. Nó được dùng để giới hạn phần giấy và thông tin trên đó. Khung bên ngoài được vẽ bằng nét liền đậm, cách mép giấy sau khi cắt 10mm (với khổ A0 và A1) hoặc 5mm (với khổ A2, A3 hoặc A4). Trên thực tế, các bản vẽ này được đóng thành tập. Cạnh trái của khung cách mép giấy 25mm để dễ dàng đóng giấy.
Khung tên bản vẽ kỹ thuật có thể được đặt theo chiều ngang hay chiều dọc. Điều này phụ thuộc vào cách trình bày của người thiết kế. Thông thường, khung tên được đặt ở cạnh dưới và góc phải của bản vẽ. Với điều kiện là sao cho chữ ghi trên đó có dấu hướng lên trên hay hướng sang trái. Điều này nhằm để việc tìm kiếm và giữ cho bản vẽ không bị thất lạc.
Hướng dẫn chi tiết cách đọc bản vẽ thiết kế kiến trúc nhà
Nắm được cách đọc bản vẽ kiến trúc sẽ giúp chủ nhà hiểu rõ hơn về bản vẽ kỹ thuật nhà. Sau đây là chi tiết hướng dẫn cách đọc bản vẽ thiết kế nhà. Mời các bạn tiếp tục đọc bài để nắm được rõ hơn về bản vẽ kiến trúc.
Chú ý cách đọc bản vẽ mặt bằng
Trong hồ sơ thiết kế, bản vẽ kiến trúc đầu tiên chính là bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng. Đây chính là hình cắt bằng của các tầng với những mặt phẳng cắt tưởng tượng nằm ngang. Và mặt vẽ này cách mặt sàn khoảng 1,5m. Nói cách khác, đây chính là hình chiếu của mỗi tầng sau khi cắt bỏ phần trên. Mặt bằng ngôi nhà thể hiện cách bố trí những khoảng không gian. Ví dụ như phòng khách, phòng bếp, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh. Thậm chí là thể hiện cả cầu thang, hành lang, cửa ra vào, cửa sổ… Tất cả cần bố cục sao cho hợp lý nhất.
Một số lưu ý khi đọc bản vẽ mặt bằng:
– Dãy kích thước đầu tiên ở vị trí sát đường bao của mặt bằng ghi kích thước của những mảng tường và lỗ cửa.
– Dãy kích thước thứ hai là khoảng cách những trục tường, trục cột…
– Dãy kích thước ngoài cùng là khoảng cách giữa những trục đường biên theo chiều dọc hoặc chiều ngang của công trình.
– Kích thước xác định vị trí và chiều rộng cửa nằm trên tường hoặc vách ngăn trong nhà.
– Kích thước ghi diện tích từng phòng sử dụng đơn vị m2. Nhưng không ghi đơn vị sau con số kích thước, có nét gạch dưới con số chỉ diện tích.
Đọc bản vẽ mặt đứng như thế nào?
Bản vẽ mặt đứng là hình cắt sử dụng mặt phẳng song song với mặt phẳng hình chiếu đứng. Trong thiết kế, xây dựng nhà ở, mặt đứng chính là hình chiếu thẳng góc thể hiện hình dáng bên ngoài của ngôi nhà. Có thể nhìn từ trước, sau hay bên phải, trái, thể hiện vẻ đẹp về hình dáng, tỷ lệ giữa các kích thước. Đồng thời cũng thể hiện từng khoảng không gian của công trình.
Bản vẽ mặt đứng không yêu cầu ghi kích thước. Nếu cần thì có thể ghi thêm tên trục tường biên phù hợp với trục ghi trên mặt bằng. Chẳng hạn, mặt đứng trục A-C là hướng nhìn vào mặt tiền ngôi nhà. Hướng trục C-A là hướng nhìn ngôi nhà từ phía sau. Mặt đứng trục 1-5 là hướng nhìn vào ngôi nhà từ bên trái. Và mặt đứng trục 5-1 là hướng nhìn vào ngôi nhà từ bên phải.
Hướng dẫn cách đọc bản vẽ mặt cắt
Bản vẽ mặt cắt là những hình cắt có được sau khi sử dụng một hoặc nhiều mặt phẳng cắt tưởng tượng thẳng đứng. Nó song song với mặt phẳng hình chiếu cơ bản cắt qua không gian trống của ngôi nhà. Mặt cắt bố trí dọc theo chiều dài thì được gọi là hình cắt dọc. Mặt cắt bố trí theo chiều ngang của ngôi nhà được gọi là hình cắt ngang. Thông qua mặt cắt, bạn sẽ biết các tầng có chiều cao bao nhiêu, kích thước cửa sổ, cửa ra vào, cầu thang, tường. Đồng thời cũng hình dung ra được vị trí, hình dáng chi tiết kiến trúc bên trong các phòng.
Cách đọc bản vẽ phối cảnh của ngôi nhà
Bản vẽ phối cảnh thể hiện hình ảnh gần giống như thực tế về công trình sẽ xây dựng. Cho phép bạn hình dung tương đối chính xác về ngôi nhà trông ra sao sau khi hoàn thiện. Nhờ vào công nghệ hiện đại với sự ra đời của các phần mềm tiên tiến, kiến trúc sư còn có thể tạo ra bản vẽ phối cảnh với màu sắc tự nhiên. Họ sẽ tạo ra một bản kiến trúc trông giống như một ngôi nhà thật.
Tạm kết
Bản vẽ thiết kế kiến trúc nhà là thuật ngữ quá quen thuộc với kiến trúc sư hay những người làm trong lĩnh vực thiết kế, thi công nhà ở. Từ góc độ chủ nhà, bạn cũng cần trang bị những kiến thức liên quan đến bản vẽ thiết kế kiến trúc. Để có thể hiểu được ý tưởng mà kiến trúc sư muốn truyền tải. Và đồng thời đưa ra những góp ý cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Xây nhà vốn là việc trọng đại của đời người. Nó ảnh hưởng đến sự an toàn và chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình sau này. Một bản thiết kế kiến trúc đúng tiêu chuẩn góp phần đảm bảo về kết cấu, chất lượng thi công. Giúp giảm thiểu sai sót phát sinh trong quá trình xây dựng. Qua quá trình đọc bản vẽ, chủ nhà sẽ xem xét và đưa ra quyết định có thay đổi bản thiết kế hay không. Do vậy, đọc bản vẽ thiết kế là kỹ năng khá quan trọng.