Giá nhà đất tăng cao bất chấp giao dịch trên thị trường BĐS giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn gần đây, số lượng giao dịch đang ngày càng giảm mạnh. Theo nguyên lý kinh tế vĩ mô, sức cầu giảm sẽ kéo theo áp lực giá bán giảm nhưng trên thực tế, tình hình giá nhà đất lại hoàn toàn trái với quy luật thường thấy trên thị trường. Giá chào bán sản phẩm BĐS với các phân khúc khác nhau ở nhiều khu vực tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội ghi nhận mức tăng cao đáng kể bất chấp tình hình giao dịch không mấy khả quan. Hãy theo dõi diễn biến của thị trường BĐS Việt Nam và áp lực tăng giá nhà đất thông qua bài viết sau đây nhé!

Thị trường BĐS Việt Nam quý 2/2021

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng công bố Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 2. Theo đó cho thấy BĐS cao cấp giá tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Quý 2, giao dịch trên thị trường giảm mạnh. Tại Hà Nội, giao dịch thành công chỉ bằng khoảng 20%. TP.HCM thì chỉ bằng khoảng 87% so với quý 1. Tuy nhiên, giá giao dịch căn hộ ở 2 TP này vẫn tăng khoảng 5 – 7%.

Thậm chí trên thị trường đã xuất hiện một số dự án ở vị trí đặc biệt trung tâm được chào bán rất cao. Chẳng hạn như: dự án One Central Saigon (ở Q.1, TP.HCM) dự kiến bán cao kỷ lục, khoảng 650 – 800 triệu đồng/m2. Ngoài ra còn có dự án The Grand Hàng Bài (Hà Nội). Mức giá chào bán của dự án này từ 570 – 700 triệu đồng/m2…

Dự án One Central Saigon được chào bán với mức giá tăng cao kỷ lục
Dự án One Central Saigon được chào bán với mức giá tăng cao kỷ lục

Ở các tỉnh thành khác, BĐS nhà ở riêng lẻ vẫn tăng nhưng không nhiều. Mức tăng bình quân khoảng 3% so với quý trước dù giao dịch cũng giảm mạnh. Đặc biệt Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương đáng chú ý. Những nơi này có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Giá nhà đất tại TP.HCM và Hà Nội

Một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường bất động sản khi từ đầu năm đến nay dịch bệnh bùng phát, thị trường có tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng giá nhà đất vẫn tăng mạnh.

TP.HCM

Mới đây trong báo cáo của Công ty Savills VN cho thấy tại TP.HCM, trong quý 2/2021 thị trường căn hộ có lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua khi tổng lượng giao dịch giảm 36% so với cùng kỳ năm trước và giảm 5% so với quý trước. Mặc dù vậy, giá bán trên thị trường thứ cấp tăng, trong đó ở Q.7 có mức tăng cao nhất lên đến 20% so cùng kỳ năm trước.

Hà Nội

Tại Hà Nội, giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2. Mức giá này tăng 7% so với quý 1/2021 và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề, giá sơ cấp trung bình của biệt thự tăng 10% so với quý trước. Đồng thời mức giá tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc nhà liền kề, có giá trung bình tăng 11% so với quý trước. So với năm trước, mức giá tăng 16%. Các công ty nghiên cứu thị trường khác như DKRA VN, Colliers, LLS, CBRE cũng đưa ra nhận định giá nhà đất vẫn tăng bất chấp giao dịch giảm mạnh.

Nguyên nhân tăng giá

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS VN, cho rằng do ảnh hưởng Covid-19, thu nhập người dân trên tổng thể cũng bị suy giảm. Điều này dẫn đến mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp. Tình trạng này đã diễn ra kể từ đầu năm 2020 đến nay. Thế nhưng trên thực tế thị trường lại cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật. Theo đó, mặc dù sức cầu giảm nhưng giá vẫn tăng.

Nguồn cung khan hiếm

Lý giải việc tăng giá bất chấp giao dịch giảm mạnh, các công ty nghiên cứu thị trường và cả Bộ Xây dựng đều nhận định do nguồn cung khan hiếm, cung không đủ cầu nên giá tăng.

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thành BĐS tăng cao
Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thành BĐS tăng cao

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Công ty Savills VN, lượng tiền dự trữ trong dân tiếp tục gia tăng, cũng như nhu cầu ngày một cao về sở hữu BĐS nhà ở nhưng việc thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá bán căn hộ tăng. Ông Vincent Nguyễn, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở của công ty này, cũng nói thêm rằng nguồn cung thấp trong nhiều năm qua dẫn đến hiện tượng tăng giá không thể tránh khỏi tại TP.HCM và đã lan sang các tỉnh lân cận.

Áp lực tăng giá do nguồn đầu tư lớn đổ vào thị trường

Một nguyên nhân khác là do một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác đang đổ mạnh vào BĐS. Mục đích nhằm tìm cơ hội đầu tư mua sắm, tạo áp lực tăng giá. “Nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận, giá BĐS tăng là do bị đẩy giá”, ông Đính – Phó chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS VN nói.

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, cho rằng giá BĐS hiện nay đang quá cao. Vì vốn dĩ, giá đã tăng từ 3 năm trước. Nhưng thị trường thực sự lập đỉnh khi xuất hiện dự án bán với giá 800 triệu đồng/m2. Hiện thị trường chứng khoán tăng phi mã, lãi suất giảm. Thế nên, dòng tiền đổ vào BĐS ngày càng ồ ạt. Từ đó làm cho thị trường này ngày càng nóng sốt hơn.

Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường BĐS dẫn đến tình trạng đẩy giá bán lên cao
Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường BĐS dẫn đến tình trạng đẩy giá bán lên cao

Vẫn còn nguyên nhân khiến giá BĐS vẫn tăng bất chấp giao dịch giảm. Đó là do ảnh hưởng của tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp. Tỷ suất này được đẩy lên đến 30%, thậm chí lên đến 50%. Do vậy giá thành của BĐS rẻ nhưng giá bán thực tế rất cao. Ngoài ra theo ông Quang, thị trường BĐS hiện nay đang tăng trưởng và nóng dần. Thế nên giá bán của dự án sau bao giờ cũng cao hơn dự án bán trước cùng khu vực. Mức giá cao từ 10 – 15%, thậm chí 20 – 30%.

Giải pháp giúp ổn định thị trường

“Sau khi dịch bệnh bùng phát vào giữa tháng 6, sau cơn sốt đất hồi đầu năm, tại nhiều địa phương thì giá BĐS đã có dấu hiệu giảm trong các tháng 7, 8. Hiện nay cảnh tập trung đông người tấp nập mua bán, đi xem đất đã chấm dứt”, chuyên gia BĐS cho hay.

Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giúp thị trường BĐS phát triển ổn định. Theo đó, cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật. Mục đích nhằm để cải thiện nguồn cung cho thị trường. Cần kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của BĐS. Đồng thời làm sao phải có dự án giá rẻ do nhà nước đầu tư. Những dự án này sẽ hướng đến những người có nhu cầu thật. Từ đó buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh lợi nhuận, điều chỉnh giá bán xuống để cạnh tranh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

85 − 80 =