Thị trường BĐS tạm “đình trệ” trong dịch, chờ cơ hội phục hồi

Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thị trường BĐS cũng chịu nhiều ảnh hưởng đáng kể tương tự như các lĩnh vực kinh tế nói chung khác. Mức độ quan tâm, nguồn cung – cầu lẫn giá thành của các sản phẩm BĐS đều bị tác động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS chỉ đang trong thời kỳ “gián đoạn”, chờ đợi cơ hội phục hồi và bứt phá tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát chứ không hoàn toàn bị đóng băng hay mất dần sức hút. Thị trường BĐS vẫn còn nhiều dư địa phát triển, do đó khả năng phục hồi sau dịch là vô cùng mạnh mẽ, chưa kể thị trường còn được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố tích cực khác.

Thị trường BĐS bị “đình trệ” trong mùa dịch

Báo cáo thị trường tháng 7/2021 cho thấy, trong tháng 7, cao điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Chính phủ đã phải áp dụng Chỉ thị 16, tiến hành lệnh giãn cách quy mô lớn trên 19 tỉnh thành. Hoạt động giao dịch mua bán trên thị trường nhà đất phải tạm thời ngưng lại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ và nguồn hàng BĐS chào bán trong tháng vừa qua.

Tổng lượng giao dịch sụt giảm

Cụ thể, tổng lượng tin rao bán nhà đất trên cả nước trong tháng 7 giảm 22% so vơi tháng trước và gần 43% so với cùng thời điểm năm 2020. Tương tự, nhu cầu tìm mua BĐS trong tháng 7 cũng lần lượt giảm 12% và 18% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Ở những thị trường có số ca nhiễm tăng mạnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nhu cầu tìm kiếm nhà đất giảm trung bình từ 33-35% so với lượt tìm mua của tháng 6, lượng tin đăng cũng giảm từ 40-50%.

Nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà đất suy giảm trong giai đoạn dịch bệnh
Nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà đất suy giảm trong giai đoạn dịch bệnh

Các số liệu trên phản ánh đúng thực trạng của thị trường nhà đất trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài và tác động của dịch bệnh với nền kinh tế chung. Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS cho rằng, việc sụt giảm giao dịch của thị trường trong tháng 7 vừa qua là rất bình thường. Nó sẽ không kéo dài hay gây hiện tượng tiêu cực, đóng băng BĐS.

Hoạt động mua bán gặp khó khăn

Chỉ thị 16 với việc giãn cách xã hội kéo dài trong suốt tháng 7 đã ảnh hưởng đáng kể. Tình hình này khiến hầu hết các hoạt động kinh tế và đầu tư đều phải tạm dừng. BĐS cũng nằm trong số các kênh đầu tư phải “đóng cửa” tạm thời. Cả chủ đầu tư và người mua nhà đều không thể tham gia hoạt động mua bán thuận lợi. Việc ra hàng khó khăn kéo theo lượng sản phẩm giao dịch thiếu đa dạng. Người mua khó tiếp cận nhà đất trong thời điểm kiểm soát di chuyển gắt gao. Điều này tất yếu dẫn đến lượt tìm mua nhà trong tháng 7 bị ảnh hưởng và giảm mạnh.

Bên cạnh đó, yếu tố gây ảnh hưởng đến cung – cầu của thị trường đến từ nguyên nhân chung của cả nền kinh tế chứ không xuất phát từ việc thị trường BĐS mất sức hút hay suy yếu khả năng đầu tư. Bàn về nhu cầu thì BĐS vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng hàng đầu. Đồng thời, sức hấp dẫn của thị trường này vẫn rất lớn. Cái chính là tác nhân dịch bệnh khiến bên bán và bên mua không có cơ hội gặp nhau. Từ đó dẫn đến hoạt động giao dịch cũng như xem xét sản phẩm bị gián đoạn.

Thị trường BĐS sẽ bật tăng mạnh mẽ sau dịch

Theo các chuyên gia bất động sản nhận định, không loại trừ yếu tố tâm lý người mua BĐS đang nghiêng về sự an toàn, việc lựa chọn bảo tồn nguồn vốn thay vì xuống tiền đầu tư trong thời điểm dịch bệnh phức tạp là rất bình thường. Một khi thị trường khởi động trở lại, nguồn vốn dự trữ trong dân đổ vào các kênh đầu tư sẽ càng mạnh mẽ hơn và BĐS là một trong số đó.

Thị trường BĐS sẽ "bung mạnh" khi được phục hồi sau dịch
Thị trường BĐS sẽ “bung mạnh” khi được phục hồi sau dịch

Dẫn chứng cụ thể cho nhận định trên, theo các nghiên cứu thị trường qua từng giai đoạn dịch bệnh trước đây cho thấy, khi dịch bùng phát, nhu cầu tìm kiếm nhà đất luôn giảm rất mạnh, có thể nói là chạm đáy nhưng ngay khi kiểm soát được tình hình, thị trường sẽ bật tăng vô cùng mạnh mẽ, giống như lò xo bị nén sẽ tự động bung mạnh khi thị trường phục hồi.

Mức độ quan tâm BĐS vẫn lớn

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 1 (tháng 4/2020) mức độ quan tâm BĐS giảm hơn 50%. Thế nhưng tình hình đã thay đổi ngay sau khi dịch được kiểm soát vào đầu tháng 6. Khi ấy, lượt quan tâm tăng bùng nổ lên 62%. Tương tự trong thời điểm tháng 2/2021 vừa qua, khi dịch bùng phát lần 3, nhu cầu tìm kiếm BĐS giảm. Mức giảm xuống tận 50-100% so với cuối năm 2020. Thế nhưng đến đầu tháng 3, khi dịch kiểm soát thành công đã ghi nhận tăng trưởng trở lại. Mức độ quan tâm BĐS bật tăng mạnh lên đến 378%. Điều này là minh chứng rõ nhất nhu cầu dành cho BĐS vẫn vô cùng lớn.

Các loại hình BĐS có khả năng phục hồi tốt

Nghiên cứu phản ứng của thị trường sau mỗi đợt bùng phát Covid-19 của  các chuyên gia BĐS cũng chỉ ra, nếu trong diễn biến đợt dịch đầu tiên, nhà riêng và căn hộ chung cư là hai phân khúc có sự hồi phục nhanh và mạnh nhất, trong khi đất nền dự án và nhà phố tốc độ có phần chậm hơn thì qua đến đợt dịch thứ 2, thị trường cho thấy sự thích ứng tốt hơn, tâm lý người mua nhà và cả giới đầu tư đều vững vàng hơn. Bằng chứng là ngay sau đó, cả 5 loại hình BĐS được chào bán đều ghi nhận phục hồi tốt. Trong đó bao gồm: chung cư, đất nền, đất dự án, nhà riêng và nhà phố. Mức độ hồi phục đạt đến 93% ngay sau dịch.

Những nhân tố giúp tái khởi động thị trường BĐS

Thị trường BĐS sẽ nhanh chóng tái khởi động và phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19. Phân tích về khả năng phục hồi của thị trường sau đợt dịch lần thứ 4, các chuyên gia BĐS đã đưa ra một số nhân tố như sau.

Kinh tế phục hồi giúp kích cầu

Hiện nay tốc độ triển khai tiêm chủng đang tăng lên nhanh chóng. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm. Việt Nam vốn là nền kinh tế có độ mở lớn. Do đó, sẽ có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là chỉ báo rõ ràng. Nó thể hiện sức phục hồi của thị trường trong một vài năm tới. Lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức thấp. Qua đó giúp kích thích nhu cầu mua nhà, tăng trưởng lượng giao dịch.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng trong tương lai. Chính phủ đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối 2021. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được chú trọng. Mục đích nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục.

Cơ sở hạ tầng phát triển thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thị trường BĐS
Cơ sở hạ tầng phát triển thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thị trường BĐS

Thị trường BĐS cũng sẽ được hưởng lợi từ điều này. Các yếu tố này sẽ cộng hưởng cùng việc xem xét gói kích cầu kinh tế của Chính phủ. Qua đó tạo lực đẩy giúp nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng sớm phục hồi sau dịch.

Đòn bẩy tài chính

Ngoài ra, thị trường còn nhận được rất nhiều đòn bẩy hỗ trợ sự tái khởi động thuận lợi. Hiện nay, lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng tương đối ổn định. Mức lãi suất rơi vào khoảng 9,2-9,5% trong nửa đầu năm. Đây vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm. Theo dự kiến NHNN sẽ không nâng lãi suất năm 2021. Mục đích nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng cách duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ. Vì vậy, lãi suất cho vay thế chấp sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp trong năm 2021. Đồng thời, nó có thể kéo dài sang đầu 2022, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu BĐS.

Tổng kết

Nhìn chung ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn còn  đang bị gián đoạn. Tuy nhiên, thị trường được nhận định sẽ hồi phục và bứt phá mạnh mẽ hậu Covid-19 lần 4. Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tác động tích cực đến khả năng phục hồi thị trường. Đồng thời, sự vững vàng trong tâm lý của người mua nhà và giới đầu tư cũng rất quan trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

30 − = 21